“Đoàn kết thống nhất để hành động”

LTS: Ngày vẩy nến thế giới 29/10 do Hội vảy nến Thế giới (IFPA) sáng lập và đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO công nhận. Đây là ngày mà khoảng 125 triệu bệnh nhân vảy nến trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm để nhắc nhở với cộng đồng rằng đây là căn bệnh không lây, những người mang căn bệnh này vẫn đang sống chung với nó, vẫn chấp nhận vừa chữa bệnh vừa làm việc. Ngày Vẩy nến thế giới cũng là dịp để tuyên truyền cho xã hội không kỳ thị với người không may mắc phải căn bệnh này, đồng thời nhắc nhở những người trong ngành y quan tâm hơn nữa, nghiên cứu để tìm ra phương thức giúp cho việc kiểm soát căn bệnh này một cách tốt nhất.

Kênh “Da liễu và Sức khoẻ giới thiệu bài phỏng vấn GS. TS. Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam.

Xin chào Giáo sư, trước tiên xin chân thành cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian cho Radio “Da liễu và Sức khoẻ”. Nhân Ngày vảy nến Thế giới 29/10/2021, xin Giáo sư chia sẻ với các thính giả một số thông tin ạ.

Gs Khang: Xin chào tất cả các bạn

Là người động viên và đề xuất thành lập các câu lạc bộ và các hội bệnh nhân, rồi lại đồng ý và quyết định cho hội bệnh nhân thành lập và tham gia sinh hoạt cùng Hội Nghề nghiệp của các bác sỹ Da liễu từ hơn 10 năm trước, Giáo sư có thể chia sẻ những tình cảm này không ạ.

Gs Khang: Xin cảm ơn câu hỏi rất hay và ý nghĩa và đúng trong dịp mà cả thế giới đang chuẩn bị ngày vẩy nến thế giới, là ngày 29/10 hằng năm. Tất cả chúng ta đều biết bệnh vẩy nến là bệnh da nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều chức năng cũng như cơ quan trong cơ thể, thí dụ như xương, khớp rồi thì tóc, móng và đặc biệt là rối loạn chuyển hoá như tiểu đường, hoặc tăng mỡ máu, hoặc béo phì. Điều quan trọng đặc biệt là mặc dù được nghiên cứu từ lâu nhưng cho đến nay chưa có một phương pháp đặc hiệu nào để chữa khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến. Chính vì vậy, người bệnh phải sống suốt đời chung sống và theo dõi tất cả những biến chứng cho đến suốt đời, cái điều này nó làm cho bệnh nhân hoang mang, buồn và thậm chí là mất niềm tin đối với bệnh tật, cũng như các phương pháp điều trị của mình. 

Một điều quan trọng nữa là trong cộng đồng hiện nay có một số người chưa hiểu căn nguyên của bệnh vẩy nến chính vì vậy mà có những thái độ không đúng với người bệnh. Nhất là đối với gia đình họ, chính vì vậy mà từ lâu tôi có kế hoạch hoặc có ý tưởng thành lập một tổ chức, thí dụ như câu lạc bộ, hoặc là hội bệnh nhân vẩy nến để mục đích là chia sẻ, gặp gỡ những cái kinh nghiệm, những cái bài học, những nỗi niềm của những người bệnh. Và hơn nữa là muốn trao đổi kinh nghiệm với những người thầy thuốc để gia đình họ với bản thân bệnh nhân để làm sao tinh thần họ thoải mái theo dõi và quản lý bệnh nhân một cách tốt hơn.

Năm 2008, tôi có gặp những người lãnh đạo của hội vẩy nến thế giới và họ cũng rất muốn Việt Nam thành lập  một câu lạc bộ, hoặc hội những người bệnh vẩy nến để kết nối, liên lạc với các thành viên của các hội quốc tế ở trong khu vực, cũng như là toàn thế giới. Và ý tưởng của tôi cũng đã được hình thành và sau đó hai năm thì Hội bệnh nhân vảy nến ra đời và tôi cũng rất vô cùng mãn nguyện đã tìm được một người làm Chủ tịch câu lạc bộ rồi Chủ tịch hội vảy nến là người đã có những kinh nghiệm và bước đầu đã đạt được những kết quả rất khả quan. Đặc biệt nhất là trong những năm qua, Hội đã phát triển không những về chất lượng mà về cả số lượng. Rất nhiều người, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh từ những bệnh nhân từ xa khi nghe tiếng cũng rất muốn tham gia Hội và hàng năm cứ vào dịp tháng 10 thì Hội cũng chuẩn bị tổ chức ngày vảy nến thế giới một cách rất ý nghĩa, không những trong khu vực Hà Nội mà còn các tỉnh khác cũng về tham gia. 

Ngoài ra, tôi đặc biệt quan tâm đến một số hoạt động thí dụ như là giao lưu, kết nối ở trên mạng và đặc biệt gần đây thì cái hệ thống Tiếng nói của những người làm công tác da liễu cũng ra đời. Và tôi vừa được nghe thì tôi cũng rất là khoái, rất là thích thú bởi vì tất cả các thông tin không những về da liễu mà đặc biệt  về  vảy nến được tuyên truyền phổ biến đến tất cả các thành viên, gia đình cũng như những người thầy thuốc ở xa để quan tâm hơn đến những người bệnh bị vảy nến. 

Đối với bệnh nhân thì luôn lo lắng là tìm mọi cách chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân trẻ tuổi, nhưng thực sự họ chưa hiểu rằng đối với căn bệnh mãn tính thì việc điều trị cần có sự kiên trì và có cuộc sống phù hợp. Giáo sư có lời khuyên gì đối với các bệnh nhân và lời khuyên gì để Hội vảy nến có thể giúp đỡ các bệnh nhân này.

Gs Khang: Các bạn thân mến, tôi hàng ngày ngồi phòng khám cũng giảng bài, gặp rất rất nhiều bệnh nhân vảy nến, cũng như là người nhà của họ. Một điều đặc biệt tôi quan tâm đấy là cái tinh thần của họ hoang mang khi biết rằng: mình bị bệnh vảy nến và vảy nến là một căn bệnh mãn tính mà không điều trị khỏi được. Không những là Việt Nam mà các nước hiện đại trên Thế giới cũng đều phải theo dõi chứ chưa có 1 phương pháp điều trị nào cả. Tuy nhiên, hiện nay thì ngoài những phương pháp cổ điển thì Thế giới cũng có những phương pháp hiện đại thí dụ như: điều trị bằng ánh sáng trị liệu hoặc là mới đây nhất trong những năm gần đây nhất đấy là sử dụng các chất sinh học đặc biệt để điều trị. Mặc dù là không khỏi tuy nhiên những phương pháp mới này nó ức chế bệnh phát triển và bệnh nó ổn định trong một thời gian dài, nó làm cho tinh thần được thoải mái cũng như cơ thể được bình thường. Một điều quan trọng nữa là tôi gặp rất nhiều người bị các phản ứng hoặc các tác dụng phụ của thuốc. Thuốc ở đây thì là có hai nguồn, một là họ nghe truyền miệng ở trong dân gian và đến lấy ở một số địa chỉ mà không rõ nguồn gốc, hoặc chưa được bộ y tế cho phép. Thứ hai nữa là họ xem tuyên truyền, hoặc giới thiệu ở trên mạng có những địa chỉ, những bài thuốc cũng không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, mà khi về sử dụng thì có những biến chứng ví dụ như đỏ da toàn thân, bệnh nặng lên, lan ra toàn thân hoặc nghiêm trọng hơn nữa là suy gan, suy thận.  Chính vì vậy tôi muốn khuyên các bạn cái thứ nhất tức là  khi mà được chẩn đoán vẩy nến thì bình tĩnh, lạc quan, tin tưởng theo dõi bệnh hàng ngày, và có gì bất thường thì hãy đến gặp thầy thuốc da liễu, luôn luôn tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc, điều trị một cách hợp lý. Không nghe ai, hoặc lấy thuốc ở đâu, hoặc là những bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc hoặc là những chất lạ có thể mua từ ở ngoài hoặc ở trong nhưng mà không có chỉ định điều trị vảy nến. Nếu sử dụng thì rất nguy hiểm, Cái thứ ba là hiện nay thì có một số thuốc rất mới, tuy nhiên là chưa phải phổ biến ở trong điều trị bệnh da liễu tuy nhiên truyền miệng đấy là điều trị bệnh vảy nến rất tốt. Do đó rất nhiều người áp dụng và cuối cùng cái quan trọng nhất là tác dụng phụ cũng như là gây biến chứng trầm trọng cho nội tạng. Cái cuối cùng, tôi muốn nhắc là đây là mãn tính không có phương pháp điều trị đặc hiệu để khỏi ngay mà ta phải theo dõi, quản lý suốt đời và cái điều quan trọng nhất là mình phải bình tĩnh, lạc quan, tin tưởng vào các phương pháp điều trị của các bác sĩ chuyên ngành để luôn luôn giữ cho mình một cái thái độ, một cách nhìn đúng đắn, không những là cho mình, cho gia đình mà cho cộng đồng.

Hiện nay việc kết nối với các bác sĩ ở nhiều nơi còn rất khó khăn, do thiếu bác sỹ, hoặc bệnh nhân tìm kiếm các bác sỹ chuyên khoa ở nơi mình sống còn khó khăn, nhiều người phải đi đến các trung tâm lớn, các thành phố lớn mới tìm được nơi điều trị phù hợp. GS có ý kiến gì để giúp gắn kết Bệnh nhân – Hội bệnh nhân – Bác sỹ Da liễu được nhanh chóng và bền vững nhất ạ.

Gs Khang: Hiện nay thì mạng lưới da liễu ở một số tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi Tây Nguyên, những vùng xa xôi hẻo lánh, còn yếu và thiếu. Chính vì vậy, bệnh nhân bị bệnh da liễu nói chung và bị bệnh vảy nến nói riêng rất khó để tiếp cận được những cái bài thuốc hiện đại, những phương pháp điều trị mới hoặc tiếp cận được những thầy thuốc chuyên ngành có kinh nghiệm. Chính vì vậy mà tôi đã thảo luận với anh Trường –  là Chủ tịch Hội rất rất muốn tạo cơ hội cho những bệnh nhân vùng sâu vùng xa sinh hoạt bằng cách: Thành lập các tiểu câu lạc bộ nhỏ ở một số tỉnh thí dụ ở Tây Bắc có một câu lạc bộ, hoặc Tây Nguyên có một câu lạc bộ và từ câu lạc bộ đấy mình có thể kết nối với những bệnh nhân trong vùng. Đặc biệt là những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa rất khó đến các trung tâm và nếu cần thì chúng tôi có thể cử người, tức là thành viên của hội da liễu Việt Nam lên để kết nối và mở các lớp đào tạo, huấn luyện hoặc là tuyên truyền giáo dục. Đấy là một cái mà tôi nghĩ rất hay trong thời gian tới thì là chủ tịch hội – Anh Trường có thể tiến hành đầu tiên là các tỉnh ở phía Bắc, và sau đấy là vào các tỉnh ở miền trung và sau đấy nữa thì vào là các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi nghĩ, đây là một kế hoạch tương lai gần và có thể thực hiện được một cách tương đối dễ. 

Năm 2021, Chủ đề của Ngày vảy nến Thế giới là Uniting for Action (tạm dịch là “đoàn kết cùng hành động” để các Hội bệnh nhân có các kiến nghị với ngành Y tế, Chính phủ có các giải pháp, các chính sách cho các bệnh nhân vảy nến và các bệnh nhân da liễu nói chung, Giáo sư có ý kiến gì giúp đỡ các Hội bệnh nhân thực hiện được mục tiêu này.

Gs Khang: Cách đây gần 10 năm thì là Tổ chức Y tế Thế giới chọn ngày 29/10 hằng năm để lấy ngày đấy làm ngày vảy nến Thế giới và là World Psoriasis Day.  Đây là một cái mốc rất quan trọng để cho bệnh nhân toàn Thế giới bệnh nhân vảy nến trên toàn Thế giới kết nối, yêu thương, hiểu nhau, tuyên truyền giáo dục bằng cách là hiểu biết hơn nữa và hành động trực tiếp để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Ngày 29/10 năm nay chủ đề cũng rất là hay nó phù hợp với điều kiện thực tiễn là cả Thế giới đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch Covid 19. Do đó là chủ đề đoàn kết, thống nhất để hành động, Tôi thấy đây là một chủ đề tuyệt vời ở Việt Nam vừa khống chế thành công đại dịch Covid 19 và đang bước sang một giai đoạn mới gọi là trạng thái “bình thường mới” với những hoạt động linh hoạt và đảm bảo an toàn cho công cuộc để chống nạn đại dịch và chiến thắng hoàn toàn. Thế thì ta là những người bệnh nhân cũng nằm trong bình diện đấy cũng nằm trong một cái cách thức hoạt đồng đấy và Hội vảy nến Việt Nam cũng thế. Trước mắt cũng có những hoạt động phù hợp và nó linh động, nó an toàn đảm bảo cho bệnh nhân, đảm bảo cho cộng đồng. Thí dụ ngày 29/10 đây ta sẽ tổ chức một cái lễ kỷ niệm hình thức trực tuyến, qua đấy thì ta cũng biết rằng đại dịch đã ảnh hưởng đến nền y tế thế nào? Và đặc biệt là đối với những bệnh nhân ta. Trước khi tiêm Covid tôi cũng nói chuyện với bệnh nhân rất nhiều và gia đình họ, ta cứ tiêm nếu không có bệnh nền gì khác như là: tim mạch, hoặc là huyết áp, hoặc là ung thư. Những bệnh nhân bị vảy nến vẫn tiêm bình thường và kể cả những bệnh nhân đang dùng các thuốc ứng chế miễn dịch hoặc là các thuốc sinh học mà không có phản ứng gì bất thường thì ta vẫn tiêm vắc xin bình thường. Và đặc biệt là trong quá trình điều trị bệnh vảy nến có một số thuốc ức chế miễn dịch nhưng đối với lại Covid 19 thì nó không ảnh hưởng gì cả. Nếu bị covid 19 ta vẫn điều trị các thuốc điều trị vảy nến thì ta tạm dừng nhưng mà sau khi khỏi dịch thì ta lại điều trị lại hoàn toàn bình thường đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai, tức là trong những hoạt đồng bình thường hàng ngày ta vẫn tuân thủ theo trạng thái bình thường mới để làm sao bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng bằng cách tức là thực hiện 5K cũng như là những hoạt động khác ở bên ngoài  làm sao mà bảo vệ cho mình, chiến thắng được bệnh tật của mình góp phần chiến thắng đại dịch Covid 19.

Xin cảm ơn Giáo sư. Chúc Giáo sư mạnh khoẻ và luôn luôn giúp đỡ cộng đồng bệnh nhân vảy nến và các bệnh nhân da liễu khác. Chúc mừng Giá sư nhân ngày Vảy nến Thế giới năm 2021.

(Lâm Ngạn và Nhật Anh thực hiện – 20/10/2021)

Thẻ bài viết: , , ,
Chia sẻ bài viết