CHUYỆN PHẢN ỨNG MŨI HỌNG MÙA NÀY

Cứ tiết trời dở dở là nhiều người lại than phiền với mình rằng bản thân hoặc bọn trẻ con bị viêm mũi họng, mẩn ngứa. Hỏi ra thì ai cũng khẳng định rằng nhà mình lúc nào cũng được giữ sạch sẽ, không gian thoáng mát đến độ “điểm 10” vì điều hòa hoạt động thường xuyên, ít hoạt động để không ra nhiều mồ hôi.v.v.. Vậy thì tại sao với bao nhiêu là cách thức tự bảo vệ mình như vậy mà chúng ta vẫn mắc bệnh?
Quay trở lại về kiến thức cơ bản một tí. Cơ thể con người mỗi ngày luôn phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường xung quanh. Để tồn tại được, các tế bào phải có cơ chế phòng vệ đặc biệt. Có 3 bộ phận tiếp xúc trực tiếp, giao lưu với không khí và môi trường xung quanh bao gồm Da, Phổi và đường Tiêu Hóa. Đường Tiêu Hóa có cách phòng vệ khác nữa nên bộ phận này mình sẽ đề cập trong phần sau. Ở đây sẽ nhắc đến bộ Da và hệ hô hấp (đường thở). Của đáng tội, đã chịu tác động của môi trường xung quanh, chúng lại có diện tích tiếp xúc rất lớn.
– Bộ Da: diện tích tiếp xúc 1,8-2,2m vuông
– Lá Phổi: 70m vuông
Các tác động chủ yếu lên chúng có thể kể đến là nhiệt độ, độ ẩm, các loại bức xạ vật lý, hóa học cũng như các vi sinh vật. Vì xung quanh đầy rẫy nguy cơ nên các cơ quan này phát triển mạng lưới bạch huyết – nơi sinh ra cơ chế miễn dịch bảo vệ cơ thể vô cùng dày đặc. Chỉ cần thay đổi một chút thôi là a lê hấp, chúng nổi đóa lên gây ra đủ thứ phiền phức. Da sẽ phản ứng với điều kiện bất lợi này bằng biểu hiện đau, rát, ngứa, nặng hơn là sưng phù lên, nổi mụn. Hay phản xạ bảo vệ của cơ thể khi gặp tác nhân gây hại trên đường thở là ngứa mũi, hắt xì hơi, ho, nặng hơn là co thắt không thở nổi. Những điều này đều do các tế bào trong hệ thống bạch huyết điều khiển vì nó không muốn cơ thể gặp rủi ro. Đôi khi cơ thể đỏng đảnh phản ứng quá mạnh thì sẽ gây hại cho chính bản thân mình.
Đó là những nguy cơ dễ dàng phát hiện, còn có nhiều tác động mà các hàng rào cảnh giới này không phát hiện ra được, chỉ khi chúng tích lũy đủ lớn mới tạo ra ảnh hưởng. Một trong những tác nhân thường được mọi người nhắc đến thường xuyên trong thời gian gần đây: bụi mịn. Bụi mịn thực ra có từ rất rất lâu, trước thời đại công nghiệp cơ. Ở trong nhà, chúng sinh ra từ mảnh vụn của da người bị bong ra, từ mảnh xác các vi khuẩn, nấm và bọ nhà (được gọi chung là chất thải sinh học). Đây là tác nhân gây dị ứng. Còn ở bên ngoài, xã hội công nghiệp phát triển đã gia tăng thêm khói bụi, khiến nồng độ bụi mịn đủ nhiều để gây hại đến sức khỏe.
Ở một nồng độ cho phép thì bụi mịn chả ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. 70 mét vuông phổi ấy có những tế bào cần mẫn hàng ngày làm công việc giải quyết chúng rồi. Phản ứng dị ứng không diễn ra thì mọi thứ ok. Nhưng khi nồng độ đủ nhiều, chúng sẽ mắc kẹt lại ở những nơi sâu nhất của lá phổi, không đào thải ra được.
Thêm một điều thú vị nữa là cơ thể có cơ chế “làm quen”, ở mãi 1 nơi, cơ thể sẽ thích nghi với môi trường và “cái bẩn” xung quanh. Thế nên có người bảo mình rằng em cứ ở điều hòa nhà không sao, nhưng đi đến chỗ lạ phát là viêm mũi, he he.
Với những nhà sử dụng điều hoà thế hệ cũ, không khí bị hút hết độ ẩm, gây mất nước khô da. Đóng kín cửa được nhiều người xem là giải pháp bảo vệ gia đình an toàn trước sự xâm lấn của bụi mịn, tuy nhiên điều này không chính xác hoàn toàn nhé. Thói quen đóng kín phòng (đối với những căn hộ không có hệ thống thoát khí phù hợp) cũng có thể khiến không khí tù đọng dễ gây tích tụ các “chất thải sinh học” sản sinh từ bên trong nhà, gây viêm, ngứa, ngạt mũi. Chưa kể, thói quen không tốt đó là để nhiệt độ thấp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài trời và trong nhà quá lớn cũng khiến cho cơ thể khó thích ứng (đối với một số đối tượng như người già và trẻ nhỏ).
Do đó, mình có vài lời khuyên trong các trường hợp này để tránh việc bị ô nhiễm “chất thải sinh học” trong nhà cũng như tránh được phần nào sự xâm lấn của bụi mịn ảnh hưởng từ bên ngoài:
– Chọn điều hoà thì nên chọn loại có cơ chế làm lạnh tốt, kèm theo cơ chế lọc không khí chuyên dụng khắc phục điểm yếu của thế hệ cũ. Đối với các dòng máy hiện đại tích hợp bộ cảm biến bụi PM1.0, máy có khả năng nhận biết nồng độ bụi trong nhà, qua đó kích hoạt kích hoạt tính năng lọc không khí khi phát hiện ô nhiễm, loại bỏ gần như hoàn toàn các hạt vi bụi kích thước PM0.1. Ngoài ra, công nghệ Plasmaster™ Ionizer++ (công nghệ lọc khí ion plasmaster) được ứng dụng trên một số máy lạnh cải tiến có khả năng giải phóng 10.000 tỷ ion giúp vô hiệu hóa vi khuẩn, vi rút tồn tại trong không khí cũng là công nghệ đáng chú ý hiện nay. Nếu có sự phối hợp làm sạch không khí từ bên trong và bên ngoài máy, luồng không khí luân chuyển trong nhà sẽ được đảm bảo an toàn, sạch khuẩn.
– Bảo dưỡng, thay màng lọc định kỳ, tránh việc để điều hoà bị bụi rồi phát tán ra bụi – nguyên nhân gây phản ứng dị ứng viêm mũi họng. Hiện nay, một số dòng máy lạnh ứng dụng công nghệ hiện đại sử dụng đèn UVnano (diệt khuẩn bằng tia UV) lắp đặt bên trong quạt gió, giúp loại bỏ vi khuẩn và các tác nhân gây ô nhiễm hiện hữu bên trong dàn lạnh, đảm bảo không khí được làm sạch trước khi thổi ra môi trường bên ngoài.
– Đừng để nhiệt độ quá chênh lệch giữa ngoài trời và trong phòng, ban đêm đừng hạ nhiệt độ xuống thấp hơn 24 độ C.
– Tạo một luồng khí thoáng để tản nhiệt độ lạnh đi khắp nơi được nhanh hơn, giúp tiết kiệm điện, đồng thời giúp lưu thông không khí trong nhà.
– Nên duy trì thói quen tập thể dục và chế độ dinh dưỡng khoa học để tăng khả năng thích nghi của hệ miễn dịch.
Cứ thử làm thử thế xem, đảm bảo lại dễ chịu ngay thôi.
BS. Nguyễn Đức Hùng – A9 Bệnh viện Bạch Mai
Chia sẻ bài viết