1. Bệnh vảy nến không thể chữa khỏi
Vảy nến là bệnh mạn tính dai dẳng, tiến triển từng đợt. Đến nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa tìm phương pháp điều trị hoàn toàn bệnh. Mục đích điều trị là kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh và hạn chế sự tái bùng phát nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
2. Bệnh vảy nến không lây
Bệnh vảy nến hoàn toàn không lây. Việc tiếp xúc không thể khiến người khác mắc bệnh. Tuy nhiên, do tổn thương bộc lộ ở ngoài da nên nhiều người hiểu lầm rằng bệnh có thể lây nhiễm, vì thế mà đã xa lánh những người mắc bệnh, khiến họ phải giấu mình và sợ người khác biết.
3. Bệnh vảy nến có thể gặp ở bất kì ai
Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thực sự của bệnh vảy nến. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình.
4. Bệnh nhân vảy nến cần khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu
Có bệnh vái tứ phương, cộng thêm việc bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần, khiến nhiều người mắc bệnh tìm đến phương pháp dân gian, sử dụng thuốc nam hoặc những loại thuốc không có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên sau khi sử dụng có thể khiến bệnh bùng phát nặng nề hơn, bệnh nhân có thể đang ở thể nhẹ, sẽ biến chứng sang vảy nến thể nặng như đỏ da toàn thân, thể mủ. Đó là những hệ lụy khi dùng thuốc không đúng với chỉ định của bác sĩ.
Vì vậy, khi nghi ngờ hoặc đã mặc bệnh vảy nến, cần thăm khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa da liễu và các cơ sở y tế chuyên khoa đáng tin cậy.
(Radio Da liễu và Sức khoẻ số 1/11/21)
Thẻ bài viết: benhvaynen , psorviet , vaynen , wpd21