Bác sỹ Hoàng Văn Tâm
Chào tất cả mọi người, khi thời tiết thay đổi bệnh viêm da cơ địa cũng nặng theo. Trong nhóm rất nhiều mẹ hỏi về tình trạng viêm da cơ địa của con mình. Mình xin chia sẻ lại bài viết về viêm da cơ địa để các mẹ tham khảo!
Câu 1: Con tôi bị viêm da cơ địa (vdcd), chữa mãi không khỏi? Bệnh có khỏi được không?
Trả lời: Vdcd trẻ nhỏ >90% khỏi sau 2 tuổi. Ở những giai đoạn sau, bệnh mạn tính, chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có thể kiểm soát tốt bệnh (yên tâm nhé các mẹ).
Câu 2: Con tôi bị vdcd, chữa bác sĩ da liễu mãi, được vài hôm bệnh lại tái phát, tại sao lại vậy?
Trả lời: Bệnh vdcd ảnh hưởng rất lớn của môi trường như: thời tiết thay đổi: hanh khô quá, nồm quá, hoặc ra nhiều mồ hôi; dị ứng thức ăn, môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá… thời tiết này thay đổi liên tục nên con bạn hay bị tái phát. Đây cũng là diễn biến bình thường của bệnh.
Câu 3: Vậy tôi phải làm gì lúc này, con bị tái phát liên tục gia đình tôi căng thẳng quá?
Trả lời: Hãy chọn cho mình 1 địa chỉ tin cậy để khám như bệnh viện Da liễu Trung ương, các bệnh viện Da liễu tuyến tỉnh, phòng khám có bác sĩ Da liễu. Hãy tìm người bác sĩ Da liễu của con mình, trao đổi với bác sĩ mỗi ngày, rồi mọi thứ sẽ được kiểm soát dần theo thời gian.
Câu 4: Vậy các biện pháp làm hạn chế tái phát cho con tôi?
- Dùng dưỡng ẩm đúng cách, đủ liều: dưỡng sau tắm 5-10 phút, ngày ít nhất 2 lần, đủ lượng cần thiết (tuỳ theo các khuyến cáo): trẻ em dao động 100-300 g/tuần, người lớn 300-500g/tuần, xoa toàn thân. Khi đỡ vẫn phải bôi để dự phòng tái phát.
- Tránh các yếu tố kích thích: quần áo len, màu, thắt lưng, giày, găng tay, đồ trang sức -> thời trang riêng. Trứng gà, sữa bò? Mạt nhà (thảm, rèm…); tránh xà phòng, chất tẩy rửa; tắm không quá lâu, hạn chế dùng sưởi, điều hoà, tạo độ ẩm trong phòng phù hợp, môi trường không thuốc lá, tránh nơi ô nhiễm không khí. Làm các test dị nguyên (ở bệnh viện Da liễu trung ương có đủ các xét nghiệm trên).
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: corticoid bôi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ (thông tin trên tờ giới thiệu thuốc chỉ là tham khảo), không tự ý dừng. Khi đỡ có thể dùng phác đồ dự phòng tuần 2 lần vào 2 ngày cuối tuần để tránh tái phát.
Câu 5: Bác sĩ có nói dưỡng ẩm quan trọng, thị trường có rất nhiều loại, vậy tôi dùng loại nào?
- Dưỡng ẩm có nhiều cơ chế, tham vấn bác sĩ Da liễu để có lựa chọn dưỡng ẩm phù hợp.
- Dưỡng ẩm thế hệ mới: dưỡng ẩm có chất chống viêm, dưỡng ẩm có thành phần probiotic, prebiotic? Những bằng chứng về lâm sàng của dưỡng ẩm chứa Ure khá cao.
- Dưỡng ẩm cũng có tác dụng phụ như viêm nang lông, kích ứng… nên cần cá thể hoá dùng dưỡng ẩm.
Câu 6: Nếu không kiểm soát được bằng thuốc bôi thông thường tôi dùng những phương pháp nào?
- Các biện pháp hỗ trợ khác vô cùng cần thiết: băng ẩm (nhóm của mình đã Việt hoá video băng ẩm mọi người có thể xem trên trang fanpage), bleach baths (các bạn hãy tra how to make 6% bleach baths sẽ ra kết quả): Tắm bleach baths 6% tuần 2 lần + bôi mupirocin vào niêm mạc mũi ngày 2 lần 5 ngày/tháng giảm nguy cơ viêm da cơ địa nặng (còn tắm các loại lá, nhờ các bác sĩ Đông y chia sẻ cho mọi người ạ).
- Thuốc toàn thân: Trong các nghiên cứu tổng quan (tài liệu tham khảo dưới) và hướng dẫn điều trị thì cyclosporin A vẫn được ưu tiên sử dụng. Với bác sĩ Tâm, thuốc này luôn là thuốc toàn thân đầu tiên được ưu tiên cho cả người lớn và trẻ em. Các thuốc khác như cortioid uống (liều trung bình, ngắn ngày), MTX, Aza, MMF… có thể cân nhắc. Thuốc sinh học dupilumab hiệu quả nhưng chưa về Việt Nam.
- Các bạn đừng quên ánh sáng trị liệu: UVB dải hẹp, UVA1. Nếu ở gần Hà Nội thì bệnh viện Da liễu trung ương là địa chỉ tin cậy để điều trị bệnh da bằng ánh sáng (bác sĩ Tâm giữ chức phó khoa ở đây, và đã có kinh nghiệm 8 năm dùng ánh sáng trị liệu điều trị các bệnh da liễu).
Câu 7: Tôi bị viêm da cơ địa, làm thế nào để con tôi không bị?
- Uống probiotic trong lúc có thai, trong lúc cho con bú, cho bé uống probiotic sớm ngay sau sinh làm giảm nguy cơ viêm da cơ địa cho con (2 nghiên cứu tổng quan trên các trang báo khoa học về da liễu năm 2019 và 2020).
- Bôi dưỡng ẩm, tắm dầu tắm sớm trong vòng 1 tháng đầu sau sinh có thể giúp giảm nguy cơ viêm da cơ địa cho con.
- Kết hôn với những người không bị bệnh lý cơ địa.
Câu 8: Nghe bác sĩ nói probiotic tốt cho viêm da cơ địa, vậy nên dùng loại nào, thời gian dùng bao lâu? Lứa tuổi dùng?
- Lactobacillus casei, Lactobacillus rhamnosus, Bifidobacterium animalis, Bifidobacterium longum… và các loại hỗn hợp, với liều 1 tỉ-10 tỉ UI/ngày. Thời gian dùng ít nhất 2 tháng.
- Probiotic đặc biệt tác dụng trên trẻ viêm da cơ địa có kèm theo dị ứng với thức ăn…
- Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ sơ sinh có thể dùng (như câu hỏi số 7).
Còn nhiều vấn đề nữa, mọi ngngười có thể đặt các câu hỏi cho chúng tôi nhé.